Vụ Quang Linh bị bắt: TikToker quảng bá, bênh kẹo Kera có bị xử lý?

Nhận hoa hồng từ quảng cáo hay sử dụng sức ảnh hưởng của mình lên tiếng bảo vệ kẹo rau củ Kera, các TikToker triệu view có khả năng đối diện trách nhiệm pháp lý.

TikToker Phan Bảo Long xin lỗi do từng lên tiếng bênh vực sản phẩm kẹo Kera. Ảnh: Phan Bảo Long/Facebook.

Ngày 6/4, TikToker Phan Bảo Long đăng video xin lỗi vụ kẹo rau củ Kera. Người này thừa nhận thiếu khách quan khi phân tích sản phẩm bởi sự yêu mến dành cho Quang Linh Vlogs, Hoa hậu Thùy Tiên; đồng thời biết về sorbitol nhưng không đưa ra khuyến cáo cho người dùng.

Cùng ngày, Nguyễn An - chủ kênh "Chú Cá Review Không Booking" - cũng cho biết đã hoàn tiền cho 6 đơn hàng từng mua sản phẩm từ mình và trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Đó là động thái của 2 trong số nhiều TikToker từng quảng cáo, bênh vực kẹo rau củ Kera sau khi Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng 3 đối tượng khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng (theo Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự).

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu với lời xin lỗi, động thái hoàn tiền hay ẩn/xóa video của những người này liệu đã đủ? Những người nổi tiếng có phải chịu hình phạt gì khi từng góp phần quảng bá, đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng?

Trách nhiệm pháp lý

Trao đổi với Tri Thức - Znews, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết các TikToker có lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội là những người nổi tiếng, được điều chỉnh hành vi theo các quy định của luật pháp Việt Nam.

"Giả sử trường hợp những người nổi tiếng từng bênh vực, quảng cáo kẹo rau củ Kera, nếu cơ quan điều tra xác định đầy đủ các yếu tố để gây thiệt hại cho người tiêu dùng, có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật tùy theo mức độ vi phạm", ông khẳng định.

tiktoker quang cao keo kera anh 1

Nguyễn An - chủ kênh "Chú Cá Review Không Booking" - từng quảng cáo, gắn giỏ hàng sản phẩm kẹo Kera. Ảnh: Nguyễn An/Facebook.

Luật sư Bình cho hay trường hợp quảng cáo sản phẩm cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, có thể chịu trách nhiệm liên đới theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trường hợp hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh bị phạt tiền, cá nhân vi phạm còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin (theo điểm a và điểm c khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, giả sử hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật trên mạng xã hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, tùy thuộc vào mức độ phạm tội.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Huyền Trân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Riway, nhận định việc các TikToker quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, đặc biệt với thực phẩm liên quan đến sức khỏe, có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý, tùy vào mức độ sai phạm và mối quan hệ của họ với đơn vị sản xuất.

"Nếu xác định họ cố ý tiếp tay cho hành vi lừa đảo, sản xuất hàng giả, hoặc tham gia như một phần trong đường dây phân phối bất hợp pháp, trách nhiệm hình sự theo các tội danh như 'Lừa dối khách hàng' hoặc 'Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm' có thể được xem xét, nhưng sẽ cần căn cứ vào kết quả điều tra có biết rõ sản phẩm sai phạm không, có cố tình tiếp tay không", bà nhận định.

Bài học cho TikToker, KOL

Theo luật sư Huyền Trân, vụ việc kẹo rau củ Kera lần này như một hồi chuông cảnh tỉnh cho giới sáng tạo nội dung. Khi đã có ảnh hưởng trên mạng xã hội, KOL và TikToker không chỉ đơn thuần đem lại sự “giải trí” mà đang tác động đến hành vi tiêu dùng, đến sức khỏe và tài sản của người khác.

Chung nhận định, luật sư Năng Bình cho rằng những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm giúp các nhãn hàng tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhận quảng cáo này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như người nhận thực hiện không nắm rõ quy định của pháp luật.

Bởi vậy, để thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với pháp luật và người được quảng cáo, các TikToker, KOL trước khi ký hợp đồng dịch vụ quảng cáo cần kiểm tra kỹ các giấy tờ mà nhãn hàng phải được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012 và Thông tư 09/2015/TT-BYT về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hoá thuộc Bộ Y tế, các giấy tờ liên quan đến chứng nhận chất lượng sản phẩm, kiểm định chất lượng, giấy phép quảng cáo…

tiktoker quang cao keo kera anh 2

KOL nên đánh giá, cân nhắc kỹ trước khi nhận quảng cáo sản phẩm. Ảnh: Kera Vietnam/Facebook.

Để đảm bảo việc ký kết, tuân thủ hợp đồng đúng quy định pháp luật, cũng như tránh phát sinh những hậu quả không đáng có, cả doanh nghiệp và người nhận thực hiện dịch vụ quảng cáo nên tham vấn ý kiến các tổ chức, cá nhân am hiểu pháp luật trước khi đàm phán, ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, chính các TikToker, KOL cũng nên tự tìm hiểu sản phẩm được quảng cáo có công dụng thế nào, tác dụng phụ gì không hay thậm chí là nên trải nghiệm dùng thử sản phẩm trước khi quảng cáo để có những đánh giá chính xác, khách quan nhất.

Theo luật sư Huyền Trân, tốt nhất người có ảnh hưởng chỉ nên nhận booking trong một hoặc một lĩnh vực mình biết rõ (ví dụ beauty blogger nhận quảng cáo mỹ phẩm chứ không quảng cáo thuốc đặc trị, hot mom nên giới thiệu các sản phẩm tiêu dùng chứ không quảng cáo thực phẩm chức năng).

"Hiểu rằng việc gắn tên tuổi của mình với một sản phẩm cũng là một dạng cam kết. Khi có vấn đề, mọi người không thể nói 'chỉ review chơi', vì pháp luật sẽ xét đến ảnh hưởng thực tế của lời quảng bá, chứ không chỉ dựa vào danh xưng", bà cho hay.

Mua kẹo rau củ Kera theo lời giới thiệu, quảng cáo của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục hay các TikToker khác, nhiều khách hàng hiện bày tỏ sự hoang mang, thắc mắc trong việc yêu cầu hoàn tiền hay khiếu nại nếu gặp vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt khi liên hệ với fanpage Kera Vietnam, không ít người phát hiện đã bị chặn tin nhắn.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết theo thông báo mới nhất từ Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra thông báo cho các cá nhân, tổ chức mua 135.325 hộp kẹo Kera biết, liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.

Luật sư Huyền Trân thông tin người tiêu dùng hoàn toàn có quyền được bảo vệ khi mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc bị quảng cáo sai sự thật, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại đến doanh nghiệp sản xuất hoặc đơn vị phân phối sản phẩm (nếu còn hoạt động); liên hệ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc Cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương. Trong trường hợp bị tổn hại sức khỏe, người tiêu dùng có thể thu thập hóa đơn, bằng chứng và yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự qua con đường khởi kiện.

Đừng làm việc quá sức

Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.